Bắt đầu cuộc trò chuyện
Gợi chuyện hỏi han, Lắng nghe, Trò chuyện, Lập lại
Bắt chuyện
Nói chuyện về sức khỏe tâm thần với trẻ em và thanh thiếu niên không cần phải là một công việc phức tạp. Hãy làm theo các bước sau đây để bắt đầu:
- Hỏi: Bắt chuyện.
- Lắng nghe: Nghe mà không phán xét.
- Nói: Ủng hộ những cảm xúc của trẻ.
- Lặp lại: Tiếp tục duy trì cuộc trò chuyện.
Hỏi
Trước khi bắt chuyện với con mình, quý vị nên kiểm tra tình trạng của bản thân để đảm bảo rằng mình đã sẵn sàng để chú tâm vào thực tại, thể hiện mặt yếu đuối và gắn kết với con. Khi quý vị đã sẵn sàng, hãy chọn một thời gian và địa điểm thoải mái và riêng tư. Đó có thể là một buổi đi dạo buổi sáng hoặc khi đang ở trong xe hơi.
Hãy bắt chuyện bằng một câu hỏi mở hoặc chia sẻ về một điều mà quý vị nhận thấy về sự thay đổi trong hành vi của con:
- “Sau mọi việc xảy ra gần đây, bố/mẹ chỉ muốn hỏi xem tình hình con thế nào.”
- “Bố/mẹ chỉ muốn kiểm tra tình hình và không biết con đang thế nào.”
- “Bố/mẹ thấy gần đây con không muốn đi chơi với bạn bè. Mọi việc vẫn ổn chứ con?”
Nếu con quý vị không sẵn sàng nói chuyện với quý vị, hãy cho con biết rằng quý vị luôn dành thời gian khi trẻ sẵn sàng nói chuyện.
Lắng nghe
Nếu con quý vị muốn nói chuyện, hãy dồn hết mọi sự chú ý vào trẻ. Sau đây là một số mẹo giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn để mở lòng:
- Ngồi cạnh con, thay vì ngồi đối diện
- Tránh các yếu tố gây xao nhãng, chẳng hạn như điện thoại
- Đừng ngắt lời con
- Tránh tỏ ra sốt ruột
Nói
Quý vị không cần phải giải quyết vấn đề của con mình. Mục tiêu của cuộc trò chuyện là tạo ra một không gian an toàn để con có thể chia sẻ và biết rằng quý vị lắng nghe con, ủng hộ con. Sau khi con chia sẻ xong, quý vị có thể nói:
- “Cảm ơn con đã chia sẻ với bố/mẹ. Bố/mẹ có thể hỗ trợ cho con như thế nào?”
- “Bố/mẹ thật tự hào vì con đã chia sẻ điều đó với bố/mẹ. Bố/mẹ có thể giúp con như thế nào?”
- “Bố/mẹ rất lấy làm tiếc vì con đang phải trải qua điều đó. Có điều gì mà bố/mẹ có thể làm để giúp con không?”
- “Bố/mẹ yêu con và luôn sẵn sàng có mặt bất kỳ lúc nào con cần.”
- “Không điều gì có thể thay đổi được cảm nhận của bố/mẹ về con. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua chuyện này.”
- “Cảm ơn con đã chia sẻ với bố/mẹ. Rất nhiều người cũng phải chật vật với chuyện này. Bố/mẹ luôn sẵn sàng hỗ trợ con.”
Lặp lại
Tiếp tục duy trì cuộc trò chuyện bằng cách thường xuyên hỏi han con. Bằng cách luyện tập, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn và con quý vị sẽ thấy thoải mái hơn để đến bên quý vị khi trẻ cần trò chuyện.
Để được hỗ trợ tinh thần miễn phí suốt ngày đêm, hãy gọi đến Đường dây Trợ giúp 24/7 của Integral Care theo số (512) 472-4357.
Bạn có thể giúp bằng cách nào
Nhận biết các dấu hiệu
Nhận thức về vấn đề sức khoẻ tinh thần.
Hỗ trợ sức khoẻ tinh thần của quý vị
Học cách chăm sóc bản thân và giúp đỡ con em của quý vị.
Tìm sự trợ giúp
Tìm hiểu và liên lạc với dịch vụ về sức khoẻ tinh thần, nhóm ủng hộ tinh thần, những đường dây cầu cứu khẩn cấp và nhiều hỗ trợ khác.